“Khủng hoảng” khi con nghiện game online (Bài 2): Hậu quả khôn lường!

VHO- Bệnh nhân nghiện internet, game online thường kèm các bệnh lý rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi… khiến việc điều trị phức tạp, kéo dài và khả năng tái nghiện cao.

“Khủng hoảng” khi con nghiện game online (Bài 2): Hậu quả khôn lường! - Anh 1

Nghiện game hoặc internet sẽ tác động tiêu cực đến sức khoẻ tâm thần của trẻ em

Bị tâm thần, vi phạm pháp luật…

Nam thanh niên P.M.Q (22 tuổi ở Hà Nội) được người nhà đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai vì tính tình thay đổi, dễ cáu gắt và chơi game rất nhiều. Theo chia sẻ của mẹ Q, em là con một trong gia đình, vốn sinh viên khoa công nghệ sinh học của Trường Đại học Mở, hiện nay đã dừng học.

Q. bắt đầu chơi game online từ khi còn học lớp 7, thời điểm cha mẹ ly hôn. Sau đó Q. sống cùng với mẹ và được chiều chuộng. Ban đầu chỉ là được bạn bè rủ chơi cùng, sau đó Q. lấy đó giải tỏa căng thẳng học tập và quen nhiều bạn bè hơn. Dần dần Q. mải mê chơi game với thời gian trung bình 10-12 tiếng/ngày, thậm chí em còn bỏ bữa hoặc chỉ ăn uống qua loa như mỳ tôm hay nước tăng lực. Mẹ Q thấy vậy đã nhiều lần khuyên bảo và tắt máy tính của em khiến cho Q cáu gắt, cãi lại mẹ, thậm chí có lúc đánh lại cả mẹ. Q. không còn thích thú với những sở thích cũ của bản thân như đá bóng, trò chuyện với bạn bè mà chỉ tập trung vào chơi game khiến kết quả học tập dần sa sút, từ học lực khá giỏi xuống học lực trung bình.

Từ khi thi đỗ đại học, Q. chuyển lên ở trọ cùng với các bạn nên mẹ không con giám sát và đôn đốc con trai được như trước. Giáo viên ở trường chú ý đến các biểu hiện bất bình thường của Q. nên đã gọi điện báo cho gia đình. Mẹ đưa Q. vào Bệnh viện Tâm thần trung ương hai đợt, đợt một kéo dài 6 tháng và đợt 2 là ba tháng, không rõ chẩn đoán và điều trị, bệnh thuyên giảm ít.

Khoảng hai tuần nay, bị mẹ thu máy tính, không cho chơi game online, Q. cáu gắt, có lúc chửi bới lại mẹ, bồn chồn bứt rứt, cả ngày chỉ nghĩ cách có máy tính để chơi game, thậm chí trốn ra ngoài các quán để có máy chơi cùng các bạn. Hai ngày trước khi vào viện, bệnh nhân bồn chồn, cáu gắt nhiều, đêm ngủ rất ít chỉ khoảng 2-3 tiếng/đêm, ăn uống kém…

Chia sẻ về bệnh nhân này, ThS Nguyễn Thành Long, Phòng M7, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Q. được chẩn đoán mắc hội chứng nghiện game online, kèm rối loạn cảm xúc hành vi, rối loại giấc ngủ. Sau hơn hai tuần điều trị, Q. tỉnh táo, cảm xúc hành vi ổn định hơn, giảm thời gian dùng điện thoại, máy tính dưới 2 tiếng/ ngày và được xuất viện điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, nguy cơ tái nghiện game online là có thể nếu gia đình không phối hợp tốt trong việc điều trị, tạo môi trường tốt cho bệnh nhân tránh xa internet, game online”.

Không chỉ có vậy, trường hợp của N.T.K (sinh năm 2004, ngụ ấp Rạch Thăng, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu) bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra, xử lý về hành vi “Giết người”. Trước đó, khoảng 1h ngày 18.6, K. cầm theo một cây đao dài gần 1m đi ra khỏi nhà, K. thấy có người đàn ông đậu xe máy đang chuẩn bị đem rau cải ra chợ bán. Lúc này, K. dùng đao chém nhiều nhát vào người đàn ông bán rau cải, khiến người này tử vong. Qua khám xét tại nhà, ngoài cây đao trực tiếp chém bị hại, lực lượng công an thu giữ một số hung khí khác. Cơ quan CSĐT cho biết K. hiện không có việc làm, suốt ngày quanh quẩn tại nhà, có dấu hiệu nghiện game và phim khiêu dâm.

Khi trẻ chơi hơn 4 tiếng/ngày

BSCKII Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng Sử dụng chất và y học hành vi (M7), Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viên Bạch Mai cho biết: “Trong nghiện internet được phân thành 5 nhóm: nghiện tình dục trên mạng thường bắt đầu ở lứa tuổi thanh niên; nghiện quan hệ trên mạng; cưỡng bức thuần túy (cờ bạc, mua sắm trực tuyến...) thường ở độ tuổi 18 trở lên và trung niên; quá tải thông tin, nghiện game hay bắt gặp ở độ tuổi vị thành niên từ 12-17 tuổi, sau đó tiến triển kéo dài sau này”.

Bác sĩ Ngọc cho biết thêm, các yếu tố thúc đẩy nghiện game của trò chơi điện tử là ở tuổi thanh thiếu niên, do sự phát triển tâm sinh lý muốn trở thành người lớn, muốn được tôn trọng, nếu bố mẹ giáo dục bằng roi vọt hay áp đặt dẫn đến trẻ cảm thấy cô đơn, bất mãn, chán nản và chơi game như một cách thể hiện bản thân cũng như cảm xúc.

Các nghiên cứu cho thấy, nghiện internet hay game kích hoạt nhu cầu thỏa mãn cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, hoặc cô đơn. Người dùng tìm đến internet như một phương tiện để trốn tránh và xoa dịu những cảm xúc này. Bên cạnh đó, hệ thống tưởng thưởng của não bộ tiết ra các chất như dopamine, gây ra cảm giác hưng phấn và thỏa mãn. Điều này dẫn đến việc người dùng muốn trải nghiệm cảm giác này nhiều lần hơn và dễ dàng dẫn đến nghiện. Khi người dùng dành quá nhiều thời gian cho internet, họ có thể bỏ bê các hoạt động khác, gây ra những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Một số người dùng trở nên phụ thuộc vào internet vì họ tin rằng việc sử dụng internet là cách duy nhất để họ có thể đạt được những mục tiêu và mong muốn của mình. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc tâm lý, khiến họ càng sử dụng internet nhiều hơn.

Theo BS Ngọc, để phát hiện sớm trẻ nghiện game online, cần lưu ý đến thời gian trẻ sử dụng internet. Thời gian sử dụng không quá hai tiếng/ngày nghỉ và một tiếng/ngày bình thường không tính thời gian dùng vào việc học tập. Nếu một tiếng phải nghĩ đến vấn đề bệnh lý, nhất là khi thấy trẻ giảm các hoạt động khác như mối tương tác xã hội, thể dục thể thao, sụt giảm kết quả học tập... Để điều trị nghiện internet, nghiện game online, bác sĩ Ngọc cho biết, bệnh viện dùng liệu pháp hành vi, liệu pháp tâm lý và điện trị liệu giúp tâm lý và hành vi của bệnh nhân, bên cạnh việc sử dụng thuốc. Đáng nói, bệnh nhân nghiện internet, game online thường kèm các bệnh lý rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi… khiến việc điều trị phức tạp, kéo dài và khả năng tái nghiện cao. 

 QUỲNH HOA

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc